Chị những tưởng đời mình từ nay là một vực thẳm tối đen khi cái bụng ngày một vượt mặt mà người thương không thấy trở lại. Chị thưa với bố mẹ, với thiên hạ rằng người ấy sẽ sớm đón chị về làm vợ. Chị tự dối lòng rằng người ấy vẫn còn thương. Gọi gã là người thương, chị thấy số kiếp mình sao mà thảm hại. Căm thù cha đẻ của con mình, đó là điều nghiệt ngã nhất một người mẹ phải chịu đựng. Người đàn ông đó làm nghề công trình từng ghé qua làng thề thốt yêu đương, rồi biến mất như nước bốc hơi, như con chó ăn vụng rồi cúp đuôi trốn chạy lúc được chị thông báo về bào thai đang lớn dần.
Anh là công tử bột quen sống xa hoa, không một lạc thú nào anh chưa từng nếm trải. Chuyện gì đến cũng phải đến, anh nghiện chích hút, còn lâm vào tội đánh người gây thương tích. Bi kịch của những nhà giàu chính là việc nhà không có gì ngoài tiền của. Bố mẹ anh đến lúc hối hận vì bận lo buôn bán, lo ngoại tình, cãi vã, dọa dẫm ly hôn mà quên lo cho đứa con độc nhất đang tuổi bồng bột, có tất cả mọi thứ mà không có nổi một lí do để sống tử tế. Họ đau khổ đưa anh vào trại cải tạo, đợi từng tháng ngày anh được trở về.
Anh về, họ cũng chưa nguôi lo lắng, xunh quanh nhà, tệ nạn vẫn đầy rẫy, bạn cũ của anh vẫn rình rập muốn đưa anh trở lại con đường cũ. Hai ông bà không yên tâm bèn về quê xây nhà cho anh ở, mong anh có chốn bình yên mà cải tà quy chính. Anh thương bố mẹ đã lo âu, tiều tụy như già đi cả hai chục tuổi, cũng muốn quên những ngày tháng lạc lối nên chấp nhận về quê sống gần các chú bác ruột.
Gia đình anh thấy chị tuy lỡ dại có một đứa con không cha nhưng trông xinh xẻo, lại hiền lành, chăm chỉ nên có ý muốn hỏi chị làm vợ cho con trai mình. Họ quen nhau ba tháng trước khi đám cưới diễn ra. Lúc đầu cả hai đến với nhau gắng gượng và khách sáo. Anh vì muốn gia đình sớm có cháu nối dõi, chị vì muốn yên lòng cha mẹ già nên đồng ý nên duyên trầu cau. Về ở chung một nhà, chị mang theo cả con gái đầu lòng. Được nhà nội chu cấp đầy đủ tiền chi tiêu nhưng chị vẫn mở tiệm may quần áo vì đó là ước mơ từ thời con gái, anh xin làm một chân bảo vệ ở xí nghiệp gần nhà, không muốn sự rỗi rãi kéo cơn thèm thuốc quay lại.
Nửa năm trời, họ sống bên nhau bình lặng, vì từng trải qua lầm lỡ, ai cũng kiệm lời, sống co mình lại. Em gái chị ở trong Nam tổ chức đám cưới, chị dắt theo con gái vào tham dự, anh ở lại trông nom nhà cửa, vườn tược. Mẹ con chị đi có bốn ngày mà anh đã thấy nôn nao khó ở, lần đầu tiên anh biết đến cảm giác nhớ nhung, đợi chờ. Anh nhận ra mình nhớ con bé Mi lí lắc với hàng vạn câu hỏi “vì sao”, “cái gì”, nhớ vợ anh thường ngày ân cần lo cho anh từ hộp cơm xách đi ăn buổi trưa đến chậu nước ấm cho anh tối về ngâm chân bởi anh từ nhỏ đã quen thế.
Hai mẹ con về nhà, anh dọn ra mâm cơm ấm cúng có trứng cuộn và thịt nướng mà bé Mi yêu thích, có món cá kho tộ là món tủ của chị, có rau xanh trong vườn do anh cuốc đất, chị gieo hạt. Lần đầu tiên có người đàn ông tự tay nấu cơm cho mẹ con chị, đó là bữa cơm ngon nhất chị từng được ăn, dù trứng hơi cháy, rau hơi nhừ và món cá kho thì hình như anh cho nhầm muối thành đường. Chị bẽn lẽn nói với anh điều mà chị cũng vừa mới biết, rằng bé Mi sắp có em rồi. Anh mừng rỡ đến bủn rủn tay chân, cứ hỏi đi hỏi lại “Thật hả em?” . Con bé Mi hoan hô cười giòn tan, anh chị cùng cười theo nghẹn ngào, nụ cười của hạnh phúc muộn màng. Những người từng đớn đau đã tựa vào nhau mà vá lại những đoạn đời từng rách.
Theo Dân Trí
Bác sỹ 30 năm ngoài đảo, bố mẹ chết không được nhìn mặt | Những lời căn dặn ân tình của Bác | Đẹp dáng, sáng da nhờ quả khế siêu rẻ |
(Dân Trí)